MƯỜI ĐIỀU KHUYẾN TU
Lòng trung kiên muôn thuở còn nêu
Dù ai nặng nhẹ trăm điều
Quyết không bỏ lý cao siêu của Thầy.
Nhiều thử thách đang vây con đó
Nếu ngã lòng công khó tiêu tan
Việc chi còn ở trần gian
Là điều huyễn hoặc chớ mang trong lòng.
Điều thứ hai: Thầy mong đệ tử
Tình bạn bè phải giữ thuỷ chung
Luôn luôn tha thứ khoan dung
Nhũ khuyên nhỏ nhẹ chớ dung lời thô.
Dìu dẫn nhau điểm tô công quả
Phải thật thà với cả chúng sanh
Thiệt thòi cam chịu đã đành
Vô vi phẩm vị Thầy dành cho con.
Điều thứ ba: vẹn toàn hạnh đức
Tuy bán buôn cơ cực tảo tần
Đổi công nuôi lấy tấm thân
Đừng ham mến chuyện phi nhân gạt lường.
Dù tiền bạc đầy rương tràn tủ
Cuộc trần này chưa đủ con ơi
Ác gian cũng chỉ một thời
Tha nghèo trong sạch thảnh thơi linh hồn.
Điều thứ tư: pháp môn quy luật
Lục thập chay gắn sức trao dồi
Thịt thà sương máu tanh hôi
Cỏ cây rau cải cũng rồi bữa ăn.
Đức từ bi thường hằng thể hiện
Không sát sanh lòng thiện ta còn
Lạt chay tuy chẳng ngọt ngon
Còn hơn thú vị cơm chan máu hồng.
Điều thứ năm: quyết không hờn giận
Ghét ganh chi cho bận lòng mình
Con xem vạn quyển thiên kinh
Hiền nhơn quân tử rộng tình vô câu.
Muôn việc đến bắt đầu sân nộ
Là nguyên nhân thống khổ ly tan
Chơn truyền Pháp Chánh Đạo tràng
Tập xong chữ Nhẫn Niết Bàn không xa.
Điều thứ sáu: thiết tha Thầy dặn
Ngày hai thời lẳng lặng công phu
Việc chi dầu quá cần cù
Cũng nhơn vài phút tập tu nguyện cầu.
Khi rãnh việc đồng sâu chợ búa
Đem Sấm Kinh tự của Thầy ban
Học cho thông thuộc đôi hàng
Ngăm nga trong lúc thanh nhàn băn khoăn.
Điều thứ bảy: quyết tăng công quả
An ủi người già cả ốm đau
Tuỳ duyên có thể giúp vào
Lâm cơn hoạn nạn khi nào cần con.
Phước đức đó vẫn còn muôn thuở
Tuy vô hình đừng ngỡ rằng không
Con ơi, trong chốn trần hồng
Mấy ai nghĩ đến cõi lòng thanh cao.
Điều thứ tám: lời nào Thầy dạy
Dù khổ lao chớ ngại công trình
Biết rằng con phải hy sinh
Phật Tiên đâu nở quên tình con sau!
Đừng chấp việc núi cao rừng thẳm
Hay là đường muôn dặm xa trông
Hễ còn thề giữ trọn lòng
Đương nhiên đắc Đạo thoát vòng tử sanh.
Điều thứ chín: Đạo lành cơ bản
Giữ làm sao cho bạn không thù
Từ đây con nhớ rằng tu
Hạ mình nhận lỗi mặc dù là không.
Lời nói sao hoà trong hiệp ngoại
Không hơn người nếu phải ép lòng
Đừng ham những chuyện mênh mông
Vừa no đủ ấm đèo bồng mà chi!
Điều chót hết: mười ghi trăm nhớ
Phật-Pháp-Tăng con chớ quên ơn
Gia đình nghĩa nặng nhiều hơn
Tình thương xã hội giúp cơn thiết cần.
Ơn Tổ Tiên dành phần cho cháu
Đó những lời dạy bảo Thầy mong
Con ơi hãy khá ghi lòng
Bấy nhiêu tâm huyết bấy dòng thi văn!
***
Phật Thầy Tây An và danh từ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Năm kỷ dậu (1849), Đức Phật Thầy Tây An (chính danh Đoàn Minh Huyên) sau khi chèo thuyền chu du nhiều nơi độ bịnh, thuyết pháp, viết Sám Giảng khuyên đời tu niệm, Ngài trở về nguyên quán Tòng Sơn (Sa Đéc) đúng vào lúc nhân dân nơi đây gặp nhiều chuyện lạ: Cây Da ngàn năm bị ngã ngang sông làm đường thuỷ tắt nghẽn, bệnh dịch tả bạo hành.
Tại đây, thanh niên trung niên người già ra sức kéo mệt nhoài nhưng cây không động đậy. Nhưng Phật Thầy chỉ dùng một tay kéo nhẹ nhàng... Đây là cách cho nhân dân thấy mà tin diệu huyền của Phật.
Tại đây, thanh niên trung niên người già ra sức kéo mệt nhoài nhưng cây không động đậy. Nhưng Phật Thầy chỉ dùng một tay kéo nhẹ nhàng... Đây là cách cho nhân dân thấy mà tin diệu huyền của Phật.
Không chỉ thế Phật Thầy còn đem huyền diệu của Phật Pháp trị bệnh cho vạn dân bằng phương thuốc kỳ lạ "giấy vàng nước lã thành tâm" đồng thời khuyến cáo mọi người nên ý thức thời kỳ hạ ngươn mạt pháp mà quay về gốc lành đạo cả. Ấy là nền Phật giáo cổ truyền.
Nhờ lòng từ bi và cách trị bệnh giản dị của Thầy dân được cứu khỏi bệnh hoặc thoát chết, nhờ sự tận tình ôn tồn chỉ bảo tu hành nên nhân dân miền Hậu Giang không mấy lúc đã theo về quy y đông đảo.
Theo dõi con đường chu du độ thế của Phật Thầy, người ta thấy Ngài từ Tòng Sơn (Sa Đéc) vào Trà Bư (Lấp Vò) lên Xẻo Môn (Long Điền) và sang Long Kiến (Long Xuyên). Rồi vì một pháp nạn: người ta cáo Thầy là gian đạo sĩ, thu hút một số đông tín đồ chực cơ làm loạn. Nên Ngài bị nhà cầm quyền đưa từ Long Kiến về Châu Đốc. Đi tới đâu Thầy cảm hoá người ta đến đó. Nên sau cùng, chánh quyền triều Tự Đức buông thả Ngài, để Ngài tự do truyền giáo.
Từ đó, Ngài ở tại núi Sam, lấy chùa Tây An làm nơi thuyết giáo. Không bao lâu, số tín đồ của Ngài rải rác có mặt khắp các miền Tây Nam Việt Nam và một số người từ các tỉnh miền Đông nghe danh cảm đức cũng tìm đến quy y hành đạo. (1)
Chú Thích: (1) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, về phần An Giang tỉnh thì Tây An Cổ Tự được một viên Tổng Đốc An Giang thí tiền xây cất năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Như thế là khi Đức Phật Thầy tới núi Sam thì chùa này đã có. Do đó, ta biết rõ danh từ danh từ Tây An không phải Ngài đặt ra. Nhưng vì Ngài mở Đạo tại đây nên người ta mới gọi Thầy là Phật Thầy Tây An.
Phật Thầy chánh thức lấy tên tông phái của mình là Bửu Sơn Kỳ Hương và cấp cho mỗi tín đồ một lòng phái có triện son mang bốn chữ "Báu Linh" ấy.
Một bài thơ của Thầy có bốn chữ khoán thủ đề danh cho Tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được truyền tụng mãi đến ngày nay với sự ẩn khúc nhiêu khê, có thể đọc theo hai chiều dọc ngang (tung hoành đọc) đều có ý nghĩa.
Đây là chiều ngang của bài thơ Tứ Bửu Linh Tự:
Bửu Ngọc Quân Minh Thiên Việt Nguyên
Sơn Trung Sư Mạng Địa Nam Tiền
Kỳ Niên Trạng Tái Tân Phục Quốc
Hương Xuất Trình Sanh Tạo Nghiệp Yên.
Và đây là chiều dọc:
Bửu Sơn Kỳ Hương
Ngọc Trung Niên Xuất
Quân Sư Trang Trình
Minh Mạng Tái Sanh
Thiên Địa Tân Tạo
Việt Nam Phục Nghiệp
Nguyên Tiền Quốc Yên.
Bài thơ có nhiều cao từ ẩn ngữ cần phải dùng lối chiết tự đảo cú mới khám phá nổi hết ý nghĩa huyền thâm. Riêng về bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương là một danh từ ghép vừa dùng đặt tên cho môn phái vừa ý thức cho mọi người một kỷ nguyên mới trong Phật Giáo với dụng nghĩa là do Núi Báu ấy (B.S) sau này non sông sẽ rực rở Mùi Thơm Lạ (K.H) sẽ bay khắp mười phương, mở một thời kỳ Long Hoa Đại Hội. Núi Báu cùng Hương Thơm là của Phật Tiên bang, nơi non sông Việt Nam là đất Tiên Phật. Hội Long Hoa, Hội chọn người Hiền Đức.
Suốt thời gian bảy năm, từ năm 1849 đến 1856, nghĩa là khi bắt đầu hoá độ cho đến khi viên tịch (1807-1856) , Thầy truyền bá pháp tu vô cùng giản dị, thích hợp với cả hạng xuất gia lẫn tại gia, chỉ cần tâm thành lòng sẽ thành quả, ấy là pháp môn Học Phật Tu Nhân với những phương pháp quy nguyên chơn truyền của Thích Ca và canh tân Phật Đạo.
Đi đâu cho khó nhiều đàng
Kìa Non Bửu Tự, nọ Ngàn Ma Ha.
Kiểng nào kiểng chẳng có hoa
Non nào non chẳng có toà thiên thai.
Cũng như:
Phật tại Tâm chứ có đâu xa
Mà tìm kiếm ở trên non núi.
Phật pháp thâm thâm diệu diệu ở bên ta nào có đâu xa mà tìm kiếm, làm việc phước thiện lánh xa việc dữ ấy tự nhiên có Phật. Phật là hiền, ác là ma.
Lọc lừa thì đặng nước trong
Ma Phật trong lòng nào phải tìm đâu.
Thầy thường khuyên các môn đồ tu pháp môn tịnh độ con đường tu tắt, tự giác giác tha:
Đêm ngày tưởng Phật Như Lai
Lòng ta dốc quyết hoài hoài đừng quên.
Giữ lòng niệm Phật Di Đà
Chừng lên Sơn Lãnh thấy mà lời hay.
Hỡi người niệm Phật cho bền
Mai sau cũng đặng gần bên Phật, Thầy.
Đã là đường tắt thì ắt khó đi, khó đi thì mới biết chí bền, chí bền thì vị quả nên.
Vì ở lẽ đó Phật giáo thời đại này đã có sự canh tân rõ rệt:
Bửu cháo rau đã an phận khó
Còn hơn người bán chó treo dê
Khát thời uống nước Tàu Khê
Đói ăn ma phạn, tối về canh tân.
Vì Thầy thấy trước cái viễn đồ của dân tộc Việt Nam nên đã đặt ra trước nhiều vấn đề hệ trọng cho cuộc sống: Phải tu phải học, phải gắn gổ lo đời chớ không được tách lìa khỏi đời. Thầy cũng cho thấy rằng trong các giáo điều của Thế Tôn trải qua mấy ngàn năm có nhiều chỗ bị sai thù do người sau xuyên tạc và có chỗ không còn hợp thời nữa nên mới chủ trương canh tân Phật Học.
Học giả Lê Văn Siêu khi nhìn qua giáo lý của Đức Phật Thầy với nhãn quan xã hội học đã xét rằng: "Một miền đồng bằng phì nhiêu có dân cư trù mật miền Hâu Giang, nếu không có giáo lý Học Phật Tu Nhân của Phật Thầy hoá độ tất có thể khiến đám dân tứ chiến quần cư này biến ở đây thành một nơi đàng điếm truỵ lạc. Bởi cái sức trù phú, sung mãn của nó nếu không được hướng dẫn bằng một học thuyết tâm linh giản dị trên tư tưởng tự do, chắc chắn sẽ đưa tới lạc lỏng, đổ vở."