Ta nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ-Thọ, Cấp-Cô-Độc, tại nước Xá-Vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, một nghìn hai trăm năm mươi người câu-hội.
Lúc đó, gần đến giờ ăn, đức Thế-Tôn đắp y, cầm bát vào thành lớn Xá-Vệ mà khất thực.
Trong thành ấy, đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất thực xong trở về Tịnh-Xá, dùng cơm, rồi cất y-bát, sau khi rửa chân xong, đức Phật trải tòa mà ngồi.
Bấy giờ, ông Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề, ở trong đại-chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trệch áo bên vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay, mà bạch cùng đức Phật rằng:
"Hi-hữu thay, đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ-tát, và khéo hay phó chúc cho các vị Bồ-Tát!
Bạch đức Thế-Tôn! Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng-phục tâm mình như thế nào?"
Đức Phật dạy:"Hay thay! Hay thay! Nầy Tu-Bồ-Đề! Đúng như lời của ông vừa nói, đức Như-Lai khéo hay hộ-niệm các vị Bồ-tát, và khéo hay phó-chúc cho các vị Bồ-tát.
Nay ông nên lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói. Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, phải trụ tâm như thế nầy, phải hàng-phục tâm mình như thế nầy"...
"Vâng, bạch đức Thế-Tôn! Con xin vui thích muốn nghe."
Đức Phật bảo ngài Tu-Bồ-Đề:"Các vị đại Bồ-tát phải hàng-phục tâm mình như thế này: bao nhiêu những loài chúng-sanh, hoặc là loài noãn-sanh, hoặc loài thai-sanh, hoặc loài thấp-sanh, hoặc loài hóa-sanh, hoặc loài có hình-sắc, hoặc loài không-hình-sắc, hoặc loài có-tư-tưởng, hoặc loài không-tư-tưởng, hoặc loài chẳng-phải-có-tư-tưởng, mà cũng chẳng-phải-không-tư-tưởng, thời Ta đều làm cho được diệt-độ, và đưa tất cả vào nơi vô-dư niết-bàn. Diệt-độ vô-lượng, vô-số, vô-biên chúng-sanh như thế, mà thiệt không có chúng-sanh nào là kẻ được diệt-độ cả. Tại sao vậy? Này, Tu-Bồ-Đề! Nếu vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải là Bồ-tát.
Tu-Bồ-Đề! Lại nữa, vị Bồ-tát, đúng nơi pháp, phải nên không- có-chỗ trụ-trước mà làm việc bố-thí. Nghĩa là không trụ-trước nơi hình sắc mà bố-thí, không trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà bố-thí.
Này, Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát phải nên bố-thí như thế, chẳng trụ-trước nơi tướng. Tại vì sao? Vì nếu vị Bồ-tát, không trụ-trước nơi tướng mà bố-thí, thời phước-đức nhiều không thể suy lường.
Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ sao? Có thể suy-lường được cõi hư-không ở phương đông chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn, không thể suy-lường được."
"Tu-Bồ-Đề! Có thể suy-lường được cõi hư-không ở phương nam, tây, bắc, cõi hư-không ở bốn hướng cạnh, và cõi hư-không ở trên, dưới, chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không thể suy-lường được."
"Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát không trụ-trước nơi tướng mà bố-thí, thời phước-đức cũng lại như thế, không thể suy-lường được.
Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát chỉ phải nên đúng như lời Ta đã dạy đó mà trụ.
Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ sao? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như-Lai chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không thể do nơi thân tướng mà thấy được Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói thân-tướng đó chính là chẳng phải thân-tướng."
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Phàm hễ có tướng đều là hư-vọng cả! Nếu nhận thấy các tướng đều là không phải tướng, chính là thấy Như-Lai".
Ông Tu-Bồ-Đề bạch cùng đức Phật rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Như có chúng-sanh nào được nghe những câu trong bài giảng- giải như vậy, mà sanh lòng tin là thiệt chăng?"
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Ông chớ nói lời ấy! Sau khi đức Như-Lai diệt-độ, năm trăm năm sau, có người trì-giới, tu phước, có thể sanh lòng tin nơi những câu trong bài nầy mà cho đó là thiệt, thời phải biết rằng người ấy chẳng phải chỉ vun trồng căn-lành từ nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật, mà người đó đã vun-trồng căn-lành từ nơi vô-lượng nghìn muôn đức Phật rồi.
Như có ai nghe những câu trong bài nầy sanh lòng tin trong sạch nhẫn đến chừng trong khoảng một niệm. Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai đều thấy, đều biết, những chúng-sanh đó đặng phước-đức vô-lượng dường ấy. Tại vì sao? Vì những chúng-sanh đó không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, không có tướng pháp, cũng không có tướng phi-pháp. Tại vì sao? Vì những chúng-sanh đó, nếu trong lòng chấp tướng, thời chính là chấp ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả.
Nếu chấp tướng pháp, thời chính là chấp ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả, và vì nếu chấp tướng phi-pháp, thời cũng chính là chấp ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả, vì thế cho nên, chẳng nên chấp pháp, và cũng chẳng nên chấp phi-pháp.
Cũng bởi nghĩa đó, Như-Lai thường dạy rằng:"Nầy, các Tỳ-kheo, các ông phải biết rằng, pháp của Ta nói ra đó, dụ cũng như thuyền bè, đến pháp còn phải xả bỏ, huống nữa là phi-pháp!"
Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có chứng được quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác chăng? Đức Như-Lai có nói pháp chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thời không có pháp nhứt định nào, gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, cũng không có pháp nhứt định nào, mà đức Như-Lai có thể nói được. Bởi vì sao? Vì pháp của đức Như-Lai nói, đều không thể vin lấy, không thể nói được, chẳng phải pháp, chẳng phải "không-phải-pháp". Tại vì sao? Vì tất cả Hiền-Thánh, đều do nơi pháp vô-vi mà có từng-bực khác nhau".
"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên, đại-thiên, để làm việc bố-thí, phước-đức của người đó đặng, có nhiều hay chăng?"
Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn, rất nhiều! Tại làm sao? Vì phước-đức đó, chính là không phải thật phước-đức, cho nên đức Như-Lai nói là phước-đức nhiều".
"Còn như có người, nơi trong kinh nầy, nhẫn đến thọ-trì một bài kệ bốn câu v.v... lại giảng nói cho người khác, thời phước-đức nầy trội hơn phước-đức trước. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Tất cả các đức Phật, và pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của các đức Phật, đều từ kinh này mà có ra. Nầy Tu-Bồ-Đề! Phật-pháp nói đó chính chẳng phải là Phật-pháp.
Tu-Bồ-Đề! Vị Tu-Đà-Hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng được quả Tu-Đà-Hoàn chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn, không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tu-Đà-Hoàn, gọi là bực Nhập-Lưu, và chính không nhập vào nơi đâu, chẳng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu-Đà-Hoàn".
"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị Tư-Đà-Hàm có thể tự nghĩ rằng mình được quả Tư-Đà-Hàm chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tư-Đà-Hàm gọi là bực Nhất-Vãng-Lai, mà thiệt không có vãng-lai, đó gọi là Tư-Đà-Hàm".
"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-Na-Hàm có thể tự nghĩ rằng, mình được quả A-Na-Hàm chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị A-Na-Hàm gọi là bực Bất-Lai, mà thiệt không có tướng bất-lai, cho nên gọi là A-Na-Hàm".
"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-La-Hán có thể tự nghĩ rằng, mình chứng được quả vị A-La-Hán chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì thiệt không có pháp chi gọi là A-La-Hán. Bạch đức Thế-Tôn! Nếu như vị A-La-Hán nghĩ thế nầy: Ta chứng được quả vị A-La-Hán, thời chính là còn chấp-trước tướng ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả.
Bạch đức Thế-Tôn! Đức Phật dạy rằng con được môn "vô-tranh tam-muội", là bực nhứt trong mọi người, là bực A-La-Hán ly-dục thứ nhứt.
Bạch đức Thế-Tôn! Nếu con tự nghĩ rằng mình được quả-vị A-La-Hán, thời chắc đức Thế-Tôn chẳng nói: Tu-Bồ-Đề là người ưa hạnh tịch-tịnh. Bởi Tu-Bồ-Đề thiệt không khởi một niệm, mới gọi Tu-Bồ-Đề là ưa hạnh tịch tịnh".
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Ý của ông nghĩ thế nào? Thuở xưa, hồi ở chỗ đức Phật Nhiên-Đăng, đức Như-Lai có chứng đắc nơi pháp chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Hồi ở chỗ đức Phật Nhiên-Đăng, nơi pháp, đức Như-Lai thiệt không có chỗ chứng đắc."
"Này, Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Bồ-tát có trang-nghiêm Phật độ chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không, tại vì sao? Vì trang-nghiêm Phật-độ đó, chính chẳng phải trang-nghiêm, đó tạm gọi là trang-nghiêm."
"Này, Tu-Bồ-Đề! Vì thế các vị đại Bồ-tát, phải nên sanh tâm thanh-tịnh như vầy: chẳng nên trụ-trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, và pháp, mà sanh tâm, nên "không-chỗ-trụ-trước" mà sanh tâm thanh-tịnh kia.
Này, Tu-Bồ-Đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu-Di, ý của ông nghĩ thế nào? Thân của người đó, có lớn chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Rất lớn. Bởi vì sao? Vì đức Phật nói chẳng phải thân, đó mới gọi là thân lớn."
"Tu-Bồ-Đề! Như trong một sông Hằng có bao nhiêu số cát, lại có những sông Hằng nhiều như số cát đó. Ý của ông nghĩ thế nào? Số cát trong những-sông-Hằng đó, chừng có nhiều chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều. Nội những-sông-Hằng đã là nhiều vô-số rồi, huống nữa là số cát trong sông!"
"Này, Tu-Bồ-Đề! Nay Ta nói thật mà bảo ông: Nếu có trang nam-tử, thiện nữ-nhơn nào đem bảy thứ báu đầy cả ngần ấy Hằng-hà sa-số cõi Tam-thiên đại-thiên để làm việc bố-thí, người đó đặng phước có nhiều không?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều."
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Nơi trong kinh này, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, thọ-trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... và giảng nói cho người khác nghe, thời phước-đức này hơn phước-đức trước kia.
Này Tu-Bồ-Đề! Lại nữa, tùy chỗ nào giảng nói kinh nầy, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... phải biết chỗ đó, tất cả Trời, Người, A-Tu-La... trong đời, đều nên cúng-dường như là tháp miếu thờ đức Phật. Huống nữa là, có người nào hay thọ-trì, đọc-tụng, trọn cả kinh nầy!
Nầy Tu-Bồ-Đề! Phải biết người ấy thành-tựu pháp tối-thượng, hy-hữu bực nhứt.
Còn nếu kinh điển nầy ở tại chỗ nào, thời chỗ đó chính là có đức Phật, hoặc có hàng tôn-trọng Đệ-Tử của Phật."
Bấy giờ, ông Tu-Bồ-Đề bạch đức Phật rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Tên gọi kinh nầy là gì? Chúng con phải phụng-trì thế nào?"
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề rằng:"Kinh nầy tên là Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật, ông nên theo danh-tự ấy mà phụng-trì.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề, đức Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật, chính chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật, đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.
Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có chỗ nào nói pháp chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch Phật rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai không có chỗ nào nói pháp".
"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Bao nhiêu vi-trần trong cõi tam-thiên, đại-thiên, thế là nhiều chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều".
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Những vi-trần ấy, đức Như-Lai nói chẳng phải vi-trần, đó tạm gọi là vi-trần. Đức Như-Lai nói thế-giới cũng chẳng phải thế-giới, chỉ tạm gọi là thế-giới.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do ba-mươi- hai tướng mà thấy Như-Lai chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không.- Chẳng có thể do ba-mươi-hai tướng mà thấy được Như-Lai.
Bởi vì sao? Đức Như-Lai nói ba-mươi-hai tướng chính chẳng phải tướng, đó chỉ tạm gọi tên là ba-mươi-hai tướng."
"Tu-Bồ-Đề! Như có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, đem thân-mạng, bằng số cát sông Hằng ra bố-thí. Nếu lại có người giữ theo trong kinh nầy, mà thọ-trì nhẫn đến những bài kệ bốn câu v.v..., mà giảng nói cho người khác nghe, thời phước của người nầy nhiều hơn người trên."
Bấy giờ, ông Tu-Bồ-Đề nghe đức Phật nói kinh nầy, thời ông hiểu thấu nghĩa-thú của kinh, nên ông buồn khóc, rơi lệ mà bạch với đức Phật rằng:
"Hi-hữu thay, đức Thế-Tôn! Đức Phật nói kinh điển rất sâu xa dường ấy, từ ngày trước khi đặng huệ-nhãn đến nay, con chưa từng được nghe kinh điển như thế nầy.
Bạch đức Thế-Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh nầy, mà có lòng tin thanh-tịnh, thời chính là sanh thiệt-tướng. Phải biết người ấy thành-tựu công-đức hi-hữu bực nhất.
Bạch đức Thế-Tôn! Thiệt-tướng đó chính chẳng phải tướng, cho nên đức Như-Lai gọi là thiệt tướng.
Bạch đức Thế-Tôn! Nay con được nghe kinh-điển như thế nầy, con tin hiểu, thọ trì, chẳng đủ lấy làm khó.
Nếu khoảng năm trăm năm rốt sau ở đời tương lai, mà có chúng-sanh nào đặng nghe kinh nầy, rồi tin hiểu thọ-trì, thời người ấy chính là hi-hữu bực nhứt.
Bởi vì sao? Người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng-sanh, không có tướng thọ-giả.
Vì sao thế? Vì tướng ngã chính là không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, chính là không phải tướng!
Bởi vì sao? Vì rời lìa tất cả tướng, chính đó gọi là chư Phật".
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Đúng thế! Đúng thế! Lại như có người được nghe kinh nầy mà lòng không kinh-hãi, không e sợ, không nhút-nhát, thời phải biết, người đó rất là hi-hữu. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai nói môn Ba-la-mật thứ nhất chính chẳng phải môn Ba-la-mật thứ nhất, đó tạm gọi là môn Ba-la-mật thứ nhất.
Tu-Bồ-Đề! Môn Nhẫn- nhục Ba-la-mật, đức Như-Lai nói đó chẳng phải Nhẫn-nhục Ba-la-mật, mà tạm gọi là Nhẫn-nhục Ba-la-mật.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Như Ta thuở xưa, bị vua Ca-Lợi chặt đứt thân thể. Trong lúc đó, Ta không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng-sanh, không có tướng thọ-giả.
Vì sao vậy? Vì thuở xưa, trong lúc thân phận bị chặt rời rã đó, nếu Ta còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời lẽ ra Ta khởi lòng hờn-giận.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta lại nhớ hồi thuở quá-khứ, trong năm trăm đời, Ta làm vị Tiên nhẫn-nhục. Trong bao nhiêu đời đó, Ta không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng-sanh, không tướng thọ-giả.
Tu-Bồ-Đề! Vì thế nên, Bồ-tát phải rời lìa tất cả tướng, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Chẳng nên trụ-trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà sanh tâm. Nên sanh tâm không trụ-trước vào đâu cả.
Nếu như tâm còn có chỗ để trụ, thời chính là chẳng phải trụ, cho nên đức Phật nói, tâm của Bồ-tát chẳng nên trụ-trước nơi sắc mà bố-thí.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát vì lợi-ích cho tất cả chúng-sanh, nên phải bố-thí như thế. Đức Như-Lai nói tất cả các tướng chính là không phải tướng, lại nói tất cả chúng-sanh chính là chẳng phải chúng-sanh.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai là bực nói lời chân-chánh, lời chắc-thiệt, lời đứng-đắn, lời không phỉnh-phờ, lời không sai-khác.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp của đức Như-Lai chứng đặng, pháp ấy, không thiệt, không hư.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu tâm của Bồ-tát trụ-trước nơi pháp mà làm việc bố-thí, thời như người vào chỗ tối-tăm, liền không thấy đặng chi cả.
Nếu tâm của Bồ-tát, không trụ-trước nơi pháp mà làm việc bố-thí, thời như người có mắt sáng, lại có ánh-sáng của mặt-trời chiếu đến liền thấy các thứ hình-sắc.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Về đời tương-lai, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, có thể thọ-trì, đọc tụng kinh nầy, liền được đức Như-Lai dùng trí-huệ của Phật, đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, thảy đều được thành-tựu công-đức vô-lượng, vô-biên.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, vào khoảng buổi sáng, đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi trưa, lại đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi chiều cũng đem thân-mạng, bằng số cát sông Hằng để bố-thí; trong vô-lượng trăm-nghìn muôn-ức kiếp, đem thân mạng bố-thí như thế.
Lại như có người nào, nghe kinh điển nầy mà sanh lòng-tin không trái, thời phước của người nầy, hơn phước của người trước kia, huống chi là biên-chép, thọ-trì, đọc-tụng, nói cho người khác nghe!
Nầy Tu-Bồ-Đề! Tóm tắt mà nói đó, thời kinh nầy có vô-biên công-đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường được.
Đức Như-Lai vì người phát-tâm đại-thừa mà nói, vì người phát-tâm tối-thượng-thừa mà nói.
Như có người nào, có thể thọ-trì, đọc-tụng, giảng nói rộng ra cho người khác nghe, thời đức Như-Lai đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, thảy đều được thành-tựu công-đức không thể lường được, không thể cân được, không có ngằn mé, không thể nghĩ bàn được.
Những người như thế, chính là người gánh vác pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của đức Như-Lai.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì nếu người nào ham-ưa pháp tiểu-thừa, chấp-trước tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời ở nơi kinh nầy, người ấy không thể nghe-nhận, đọc tụng và giảng-nói cho người khác nghe được.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu những nơi-chỗ nào mà có kinh nầy, thời tất cả Trời, người, A-Tu-la..., trong đời đều nên cúng-dường. Phải biết chỗ đó chính là tháp thờ đức Phật, đều phải cung kính lễ lạy, đi nhiễu quanh, đem các món hoa-hương mà rải trên chỗ đó.
Lại nữa, nầy Tu-Bồ-Đề! Như có trang nam-tử, thiện nữ-nhân nào, thọ-trì, đọc-tụng, kinh nầy, lại bị người khinh-tiện; thì những tội nghiệp đã gây ra trong đời trước, người ấy đáng lẽ sẽ phải đọa vào ác-đạo, nhưng bởi trong đời nay, bị người khinh-tiện, nên tội-nghiệp đã gây ra trong đời trước đó, liền được tiêu-diệt, người ấy sẽ đặng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta nhớ lại hồi thuở trước đức Phật Nhiên-Đăng ra đời, vô-lượng vô-số kiếp về quá-khứ, Ta gặp đặng tám-trăm bốn-nghìn muôn-ức na-do-tha các đức Phật, lúc ấy Ta thảy đều hầu-hạ, cúng-dường, không có luống bỏ qua.
Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có người hay thọ-trì, đọc-tụng kinh nầy, thời công-đức của những người ấy có được, nếu đem so sánh với công-đức cúng-dường các đức Phật của Ta trong thuở trước, thời công-đức của Ta sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn, ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, thọ-trì, đọc-tụng, kinh nầy, công-đức của những người đây đặng, nếu Ta nói đủ hết cả ra, hoặc có kẻ nghe đó, trong lòng liền cuồng-loạn, nghi-ngờ, không tin.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Phải biết rằng, vì nghĩa-lý của kinh nầy chẳng thể nghĩ-bàn được, nên quả-báo cũng không thể nghĩ-bàn được!"
Bấy giờ, ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật:"Bạch đức Thế-Tôn! Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, phải trụ-tâm như thế nào? Phải hàng-phục tâm mình như thế nào?"
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Trang thiện-nam, người thiện-nữ, phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác đó, thời phải sanh-tâm như vầy: Ta phải diệt-độ tất cả chúng-sanh, diệt-độ tất cả chúng-sanh xong, mà không có một chúng-sanh nào thiệt diệt-độ.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát mà còn có tướng ngã; tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả thời chính là chẳng phải Bồ-tát.
Vì cớ sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì thiệt ra không có pháp chi phát-tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác cả?
Nầy Tu-Bồ-Đề, nơi ý của Ông nghĩ thế nào? – Ở nơi chỗ đức Phật Nhiên-Đăng thì Như Lai có pháp chi mà được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không, như chỗ con hiểu nghĩa-lý của lời Phật dạy, thời ở nơi đức Phật Nhiên-Đăng, Đức Thế Tôn đã không có pháp chi mà được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác cả."
Đức Phật dạy rằng:"Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-Bồ-Đề! Thiệt không có pháp chi đức Như-Lai đặng Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu còn có pháp nào mà đức Như-Lai được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thời đức Phật Nhiên-Đăng bèn chẳng thọ-ký cho Ta rằng: "Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni."
Bởi thiệt không có pháp chi để được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, cho nên đức Phật Nhiên-Đăng đã thọ ký cho Ta, mà nói lời nầy:
"Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni." Bởi vì sao? Vì Như-Lai đó chính là nghĩa các pháp như-như.
Nếu có người nói rằng: Đức Như-Lai được thành Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Này Tu-Bồ-Đề! Thiệt ra không có pháp chi mà đức Phật được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Này Tu-Bồ-Đề! Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của đức Như-Lai chứng được, trong đó không thiệt, không hư, vì thế đức Như-Lai nói, tất cả pháp đều là Phật-pháp.
Này Tu-Bồ-Đề! Tất-cả pháp mà đức Phật nói đó, chính chẳng phải tất-cả pháp, cho nên gọi là tất-cả pháp.
Này Tu-Bồ-Đề! Ví như thân người cao lớn."
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Đức Như-Lai nói thân người cao lớn, chính là chẳng phải thân cao lớn, đó tạm gọi là thân cao lớn".
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát cũng như thế. Nếu nói lời như vầy: Ta sẽ diệt-độ vô-lượng chúng-sanh, thời vị đó không gọi là bực Bồ-tát.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Thiệt không có pháp chi gọi là Bồ-tát.
Vì thế, Như Lai nói tất cả pháp, không ngã, không nhân, không chúng-sanh, không thọ-giả.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát nói như thế nầy: Ta phải trang-nghiêm Phật-độ, thời vị ấy không gọi là bực Bồ-tát.
Bởi vì sao? Vì Như-Lai nói trang-nghiêm Phật độ đó, chính chẳng phải trang-nghiêm, đó tạm gọi là trang-nghiêm.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát thông-đạt được lý không-ngã, không-pháp đó, thời Như-Lai gọi là thiệt phải bực Bồ-tát.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có nhục nhãn chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai có nhục-nhãn."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có thiên-nhãn chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có thiên-nhãn."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có huệ-nhãn chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có huệ-nhãn."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có pháp-nhãn chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có pháp nhãn."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như-Lai có Phật-nhãn chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Đức Như-Lai có Phật-nhãn."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, đức Phật có nói là cát chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế, đức Như-Lai nói là cát."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Ví như có bao nhiêu cát trong một sông Hằng, thì cũng có số những sông Hằng, bằng số cát như thế, cõi Phật như bao nhiêu số cát trong những-sông-Hằng đó, như thế, cõi Phật có nhiều chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều!"
Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:"Bao nhiêu thứ tâm-niệm của tất cả chúng-sanh trong ngần ấy cõi nước, đức Như-Lai đều biết rõ. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các thứ tâm đều là chẳng-phải-tâm, đó gọi là tâm. Vì cớ sao thế? Nầy Tu-Bồ-Đề! Tâm quá-khứ không có chi mà đặng, tâm hiện-tại không có chi mà đặng, tâm vị-lai không có chi mà đặng.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên đại-thiên để dùng bố-thí. Do nhơn-duyên như thế, người ấy có được phước, có nhiều chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Người đó, do nhân-duyên ấy, được phước rất nhiều."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu dùng phước-đức là có, hữu-vi, thì đức Như-Lai chẳng nói là được phước-đức nhiều. Do vì phước-đức là không, vô-vi, nên đức Như-Lai mới nói là được phước-đức nhiều.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do sắc-thân cụ-túc, mà thấy được đức Phật chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do sắc-thân cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói sắc-thân cụ-túc, chính chẳng phải sắc thân cụ-túc, đó tạm gọi là sắc thân cụ-túc."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các tướng cụ-túc, nhưng chẳng phải cụ-túc, đó tạm gọi là các tướng cụ-túc."
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông chớ nói rằng đức Như-Lai nghĩ thế nầy: Ta nên có chỗ thuyết pháp, ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nếu người nào nói rằng: Đức Như-Lai có thuyết-pháp, thời là hủy báng đức Phật, không hiểu được nghĩa-lý của Phật nói.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Thuyết pháp đó chính thiệt không có pháp chi nói được, đó tạm gọi là thuyết pháp."
Bấy giờ, ông Huệ-Mạng Tu-Bồ-Đề bạch đức Phật rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Trong thời vị-lai, chừng có chúng-sanh nào nghe nói pháp nầy mà sanh lòng-tin chăng?"
Đức Phật dạy rằng:"Nầy Tu-Bồ-Đề! Chúng sanh kia chẳng phải chúng-sanh, cũng chẳng phải là không phải chúng sanh. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Những chúng sanh, chúng-sanh đó, đức Như-Lai nói chẳng phải chúng sanh, đó tạm gọi là chúng-sanh".
Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Đức Phật chứng được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là không có chỗ chi là được sao?"
Đức Phật dạy rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta ở nơi Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nhẫn đến không có chút pháp chi có thể gọi là được đó mới gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".
Lại nữa, nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp đó bình đẳng, không có cao, thấp, đó gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Do vì không ngã, không nhơn, không chúng-sanh, không thọ-giả, mà tu tất cả pháp lành, liền được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp lành đã nói đó đức Như-Lai nói chính chẳng phải pháp lành đó tạm gọi là pháp lành.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Như trong cõi tam-thiên, đại-thiên, có bao nhiêu núi chúa Tu-Di, nếu có người góp cả bảy thứ báu lại, bằng những núi Tu-Di đó, đem dùng mà bố-thí.
Nơi kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật nầy nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... nếu có người thọ trì, đọc-tụng, giảng nói cho kẻ khác nghe, thời phước-đức của người bố-thí trước, sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Các ông chớ cho rằng đức Như-Lai nghĩ như vầy: Ta phải hóa-độ chúng-sanh. Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì thiệt không có chúng-sanh nào đức Như-Lai độ cả. Nếu có chúng sanh mà đức Như-Lai độ đó, thời đức Như-Lai còn có tướng-ngã, tướng-nhơn, tướng-chúng-sanh, tướng-thọ-giả.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai nói có ngã đó chính chẳng phải có ngã, mà kẻ phàm phu lại cho là có ngã.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Phàm phu đó, đức Như-Lai nói chính chẳng phải phàm phu, đó tạm gọi là phàm phu.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi ba- mươi-hai tướng mà xem là đức Như-Lai chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Đúng thế! Đúng thế! Do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai".
Đức Phật dạy rằng:"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai đó, thời vua Chuyển-Luân-Thánh-Vương chính là đức Như-Lai rồi!"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Theo như con hiểu nghĩa-lý của đức Phật nói, thời chẳng nên do nơi ba mươi hai tướng mà xem là đức Như-Lai".
Bấy giờ đức Thế-Tôn liền nói kệ rằng:
"Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng tiếng tăm cầu ta,
Người ấy tu đạo tà!
Chẳng thấy được Như-Lai."
Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ thế nầy: Đức Như-Lai, không phải vì có tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác!
Tu-Bồ-Đề! Ông cũng đừng nghĩ như vầy: Đức Như-Lai há chẳng do nơi tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác sao?
Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ như vầy: Người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nói các pháp đều đoạn diệt. Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nơi các pháp, người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác không nói tướng đoạn diệt.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát sông Hằng để làm việc bố thí.
Nếu lại có người biết lý vô-ngã của tất cả pháp mà đặng thành nhẫn trí. Vị Bồ-tát nầy được công-đức hơn phước đức của vị Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì các vị Bồ-tát không nhận lấy phước đức."
Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Tại sao các vị Bồ-tát không nhận lấy phước đức?"
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát phàm có làm việc phước-đức thời chẳng nên tham-trước, vì thế nên nói là chẳng nhận lấy phước-đức.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu có người nói: Đức Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, thời người ấy không hiểu nghĩa của Phật nói. Bởi vì sao? Vì Như-Lai đó, không từ nơi nào lại, mà cũng không đi về đâu, nên gọi là Như-Lai!
Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có trang thiện-nam, người thiện-nữ, đem cõi tam-thiên đại-thiên đập nát ra vi-trần. Nơi ý ông nghĩ thế nào? Các vi-trần đó có nhiều chăng?"
Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng:"Bạch đức Thế-Tôn! Rất nhiều. Bởi vì sao? Vì nếu những vi-trần đó là thiệt có, thời đức Phật chẳng nói là những vi-trần.
Vì cớ sao thế? Vì đức Phật nói những vi-trần chính chẳng phải những vi-trần, đó tạm gọi là những vi-trần.
Bạch đức Thế-tôn! Cõi tam-thiên, đại-thiên của đức Như-Lai nói, chính chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới. Bởi vì sao? Vì nếu thế giới là thiệt có ấy, thời là một hợp tướng.
Đức Như-Lai nói một hợp-tướng chính chẳng phải một hợp-tướng, đó tạm gọi là một hợp tướng".
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Một hợp tướng đó bèn là chẳng thể nói được, chỉ nơi kẻ phàm phu tham trước việc ấy thôi.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có người nói: Đức Phật nói ngã-kiến, nhân kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến. Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Người ấy hiểu nghĩa-lý của Phật nói chăng?"
"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Người ấy không hiểu nghĩa-lý của đức Phật nói. Bởi vì sao? Đức Thế-tôn nói ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến, chính chẳng phải ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến, đó tạm gọi là ngã-kiến, nhân-kiến, chúng-sanh-kiến, thọ-giả-kiến".
"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi tất cả pháp, người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác phải biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sanh pháp tướng.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp tướng nói ra đó, đức Như-Lai nói chính là không phải pháp tướng, đó tạm gọi là pháp tướng.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Như có người đem bảy thứ báu đầy cả vô-lượng vô-số cõi nước để làm việc bố-thí. Như có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, phát tâm Bồ-đề, thọ trì kinh nầy, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... tự mình thọ trì, đọc tụng, lại giảng cho kẻ khác nghe, thời phước đức của người nầy hơn người trước.
Giảng nói cho người khác nghe như thế nào?
– "Không chấp lấy nơi tướng, như-như chẳng động!"
Bởi vì sao?
Hán Văn:
"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng ảo bào ảnh,
Như lộ diệc như điển.
Ưng tác chư thị quán."
Việt Dịch:
Tất cả những pháp hữu-vi
Khác nào mộng, huyễn, khác gì điện, sương.
Như bóng nước, như ảnh-tượng.
Xét suy như thế cho thường chớ quên!
Đức Phật nói kinh nầy xong, ông Trưởng-Lão Tu-Bồ-Đề cùng với các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-Ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di, tất cả Trời, Người, A-Tu-La v.v...trong thế-gian, nghe những lời của Đức Phật dạy, thảy đều rất vui mừng, tin nhận, vâng theo tu hành.
Hay là: GATE GATE PÀRAGATE PÀRASAMÏGATE BODHI SVÀHÀ
TỰ QUY Y
-Tự Quy y Phật, Đương nguyện chúng sanh, Thể giải đại đạo, Phát Vô-thượng tâm. -Tự Quy y Pháp, Đương nguyện chúng sanh , Thâm nhập kinh tạng, Trí tuệ như hải. -Tự Quy y Tăng, Đương nguyện chúng sanh, Thống lý đại chúng, Nhất thiết vô ngại.
Ý Nghĩa Thần chú Bát Nhã (Prajnõa Pàramita
Mantra)
Lược
bản “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” được kết thúc bằng câu chú nguyện丫包丫包扒先丫包扒先戌丫包回囚送扣.
“GATE GATE PÀRAGATE
PÀRASAMÏGATE BODHI SVÀHÀ”
Câu Chú này hàm chứa đường lối thực hành
Giáo Pháp giải thoát của Phật Giáo và nhấn mạnh vào sự lợi ích thật sự của Trí
Tuệ Bát Nhã là dứt trừ tận gốc rễ sự trói buộc của phiền não khổ đau, đem lại
sự an lành cho tất cả chúng sinh.
_ Trong quyển “Kindness Clarity and
insight” do Thiện Tri Thức xuất bản thì Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 có dạy rằng:
“Trong Tâm Kinh, sự tiến bộ biểu lộ
trong câu Thần Chú GATE
GATE PÀRAGATE PÀRASAMÏGATE BODHI SVÀHÀ (vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia,
hoàn toàn vượt qua bên kia, hãy ở như thế trong sự giác ngộ.)
Chữ GATE đầu tiên liên hệ đến con đường tích tập (gom chứa).
Chữ GATE thứ hai là con đường sửa soạn.
Trong 02 giai đoạn này, sự tiếp cận Tính
Không còn mang dấu vết Nhị Nguyên, có Trí Tuệ, cái soi thấu Tánh Không và có
Tánh Không được soi chiếu.
PÀRAGATE: vượt qua bên kia, chỉ ra sự băng qua từ mức độ Thế Gian
của con đường Thấy (Kiến đạo vị) khi vượt qua giai đoạn này, tri giác Nhị
Nguyên tan biến.
PÀRASAMẠGATE: hoàn toàn vượt qua bên kia, chỉ ra con
đường Thiền Định suốt trong đó các bạn thực hành đã làm quen ngày càng nhiều với
Tánh Không mà các bạn đã có tiếp cận trực tiếp đầu tiên tên con đường Thầy.
Để có thể kết thúc, cái nhìn chánh đáng
(Chánh kiến) cho phép các bạn siêu vượt vòng sinh tử luân hồi và thực hiện giác
ngộ (BODHI) cái trạng thái biến bạn thành một người an lạc và giải thoát cho
tất cả (SVÀHÀ).
_ Theo cách giải thích khác thì:
GATE (丫包) là vượt qua, có nghĩa là hãy vượt qua những sai lầm về lý trí
đã do ý thức phát khởi lên nhiều thức che mờ thực tại mà sinh ra sự kiêu mạn,
sự nghi ngờ, sự thấy biết sai lệch của xác thân, sự hiểu biết sai chân lý, sự
hiểu biết bởi: thành kiến, tập quán, dục vọng hình thành. Sự tu tập sai đường
như: tuyệt thực, hành hạ xác thân, cầu trường sinh bất tử …do giáo lý ngoại đạo
xây dựng. Nếu những ai đã có cố gắng và thật sự vượt qua những mê lầm này (Diệt
trừ Kiến Hoặc) thì sẽ thấu hiểu chân lý VÔ NGÃ đồng thời nhận biết được lối đi
chân chính. Giai đoạn này gọi là KIẾN ĐẠO.
GATE (丫包) là vượt qua. Khi đã thấy được lối đi chân chính thì thế lực của
Tham ái chấp thủ đã được giảm bớt. Tuy nhiên, thế lực này đã được củng cố từ
bao đời kiếp khó có thể phá vỡ ngay nên hành giả cần phải cố gắng chuyên chú
vượt qua những sai lầm về tình cảm. Tức là, hãy vượt qua các Tâm niệm: Tham ái,
Sân hận, Si mê, được 05 Thức Thân hỗ trợ khi đối đãi với 05 Trần cảnh. Do đó,
những ai nắm vững tinh thần “Vô sở Trụ, vô sở Chấp” và đã học tập rèn luyện các
Pháp Môn thích ứng với mình để thấm ướt năng lực giải thoát thì sẽ mau chóng
vượt qua những phiền não chướng ngại này. Khi Tham ái, Sân hận, Si mê đã bị
tiêu diệt tận gốc rễ (Dứt trừ Tư Hoặc) thì trạng thái an lạc giải thoát hiển
hiện.
PÀRAGATE (扒先丫包) là vượt qua bờ bên kia. Khi trạng thái an lạc giải thoát hiển
hiện, tức là các bậc Tu hành đã thật sự xả kỷ diệt Ngã chấp hoàn toàn để siêu
hóa lý trí, chứng ngộ Không Tính (‘Sùnyata) của vạn hữu hay là đã biết chuyển y
để biến diệu hữu thành Chân Không. Lúc này các bậc tu hành đã hoàn thiện công
Đức vô vi, mọi nợ nần của Tâm Thức đã được hoàn tất và chấm dứt sinh tử luân
hồi (Dứt trừ Lậu Hoặc). Đây là trạng thái TỰ GIÁC VIÊN MÃN hay hoàn thiện trí
tuệ Bát Nhã bờ kia, tức là chứng ngộ Niết Bàn và là mục đích cuối cùng của hàng
Nhị Thừa.
PÀRASAMÏGATE (扒先戌丫包) là vượt qua bờ bên kia hoàn toàn. Đối với các Bậc Bồ Tát thì
mục đích rốt ráo là chứng đắc quả vị Vô Thượng chính đẳng chính Giác cho nên
khi Thiện căn chưa đầy đủ thì các Ngài không chứng nhập quả vị Niết Bàn mà vận
dụng Trí Tuệ Bát Nhã bờ cao thượng chuyển Chân Không thành Diệu Hữu, hay là rời
Chân Đế (Pàramartha) hòa nhập cùng Thế Tục Đế (Samvrïti) thi hành hạnh nguyện
cao cả qua việc hóa độ chúng sinh để hoàn thiện phước báu Hữu vi. Khi công hạnh
GIÁC THA viên mãn thì vị Bồ Tát Nhất sinh Bổ xứ sẽ lâm phàm kiếp chót để hoàn
chỉnh GIÁC HẠNH viên mãn, tức là hoàn thiện Phật Trí và chứng nhận quả vị Vô
Thượng chính Đẳng Chính Giác (dứt trừ Vô Minh Hoặc).
BODHI (回囚) là giác ngộ, giác tuệ, Phật Trí.
SVÀHÀ (送扣) là đem lại sự an lành phứơc tuệ cho tất cả chúng sinh. Ý nghĩa
này cũng tương đương với nguyên lý tình thương phổ biến của Tâm Giác Ngộ của
tất cả chư Phật là chữ HÙMÏ
(猲)
Như vậy, Thần chú Bát Nhã có thể được
diễn dịch là :
“Vượt qua kiến Hoặc, vượt qua Tư Hoặc,
dứt trừ Lậu Hoặc, dứt trừ Vô Minh Hoặc, chứng đắc Phật Trí, đem lại sự an lành
cho tất cả chúng sinh”.
Dựa vào ý nghĩa này thì Thần chú Bát Nhã
chính là chi tiết tu tập để chứng đắc PHẬT TRÍ trong Lục Tự Đại Minh: "Om Ma Ni Pad Me Hum."